Blog

5 Công dụng về Azelaic Acid – Điều trị mụn & làm sáng da

Azelaic-Acid
Thành phần

5 Công dụng về Azelaic Acid – Điều trị mụn & làm sáng da

Azelaic Acid là gì?

Azelaic Acid là một loại axit dicarboxylic tự nhiên có nguồn gốc từ nấm men, lúa mì và lúa mạch. Trên thực tế, thành phần này được sử dụng nhiều để điều trị các tình trạng da như mụn trứng cá mức độ nhẹ – trung bình, bệnh hồng ban (Rosacea) và chứng tăng sắc tố da (Hyperpigmentation). [1].

Công thức cấu tạo của Azelaic Acid
Công thức cấu tạo của Azelaic Acid

 

Sự hấp thu Azelaic Acid trên da

Sự hấp thu Azelaic Acid trên da tốt nhất khi sản phẩm được bào chế với độ pH là 4,9, gần bằng độ pH của làn da người khỏe mạnh. Đây là pH tối ưu giúp Azelaic Acid được giữ lại trong lớp biểu bì/hạ bì lâu hơn [2].

Công dụng của Azelaic Acid

Đối với làn da, Azelaic Acid có thể mang lại nhiều lợi ích như:Az

  • Ngăn ngừa mụn: Azelaic Acid dạng kem 20% cho tác dụng trị mụn mức độ nhẹ đến trung bình tương đương với tretinoin (0,05%), benzoyl peroxide (5%) và erythromycin (2%) bôi tại chỗ [3]. Tác động kháng khuẩn là do Azelaic Acid có khả năng ức chế tổng hợp protein của tế bào vi sinh vật.
  • Cải thiện một số bệnh lý da: Azelaic Acid thường được kê đơn để cải thiện các triệu chứng khó chịu trong nhiều bệnh da liễu như chứng tăng sắc tố da (Hyperpigmentation), Bệnh hồng ban (Rosacea) và tình trạng da không đều màu.
  • Làm lành vết thương: Kích thích sự tăng trưởng và tái tạo tế bào mới. Nhờ đó giúp vết thương và sẹo mụn mau lành hơn.
  • Tẩy tế bào chết: Giống như các loại acid khác như BHA hay AHA, loại acid này cũng có tác dụng tẩy tế bào chết nhẹ nhàng. Do đó, chúng giúp bộc lộ lớp da mới bên dưới tươi sáng, mịn màng hơn.
  • Giảm sạm, nám: Azelaic Acid làm giảm sản xuất melanin bằng cách ức chế enzyme tyrosinase và ngăn chặn sự gia tăng của các tế bào sản xuất hắc tố (melanocytes) bất thường. Nhờ đó làm giảm sạm nám hiệu quả. Cụ thể, Azelaic Acid dạng kem bôi 20% tại chỗ cho tác động giảm nám da tốt hơn hydroquinone 2% và hiệu quả tương tự hydroquinone 4% mà không có nhiều tác dụng phụ như chất này [4].

(Nguồn Pubchem)

Cải thiện làn da sau 3 tháng sử dụng Azelaic Acid (Nguồn ảnh: Byrdie)
Cải thiện làn da sau 3 tháng sử dụng Azelaic Acid (Nguồn ảnh: Byrdie)

Cách dùng Azelaic Acid

Nồng độ Azelaic Acid

Hiện nay Azelaic được bán trên thị trường với nhiều nồng độ khác nhau bao gồm 5%, 10%, 15% và 20%. Trong các chỉ định điều trị mụn trứng cá, bệnh hồng ban Rosacea và chứng tăng sắc tố ̣(Hyperpigmentation) thì nồng độ 15% (dạng gel) và 20% (dạng kem) được khuyến cáo sử dụng nhiều nhất. Tuy nhiên, đây là 2 nồng độ này được phân loại là thuốc kê đơn, việc sử dụng cần sự đồng ý của bác sĩ chuyên khoa [5].

Dạng gel Azelaic acid 15% tuy có nồng độ thấp hơn nhưng khả năng hấp thu vào da có thể cao gấp 8 lần dạng kem 20%. Vì vậy xét về hiệu quả thì dạng Gel thường sẽ chiếm ưu thế hơn [6].

Thời điểm và tần suất sử dụng

Đối với Azelaic Acid thì việc sử dụng nhiều chưa chắc sẽ mang lại lợi ích tốt hơn. Một nghiên cứu cho thấy rằng bôi kem Axit Azelaic 20% 1 lần/ngày cũng hiệu quả như bôi 2 lần/ngày sau 3 tháng.

Thông thường các triệu chứng sẽ được cải thiện sau 4 tuần sử dụng Azelaic Acid. Tuy nhiên, nếu vẫn chưa cho được tác động mong muốn thì bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để nâng lên tần suất sử dụng 2 lần/ngày vào sáng và tối. Trước khi sử dụng cần rửa mặt và thấm khô bằng khăn sạch. Sử dụng một lượng chế phẩm vừa đủ bôi sung quanh khu vực da cần điều trị.

Lưu ý khi sử dụng Azelaic Acid

Tác dụng phụ thường gặp của Azelaic acid

Azelaic acid thường không phải là lựa chọn đầu tay để điều trị mụn trứng cá bởi chúng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như [7]:

  • Bỏng nhẹ và châm chích ở da.
  • Bong tróc, khô và đỏ da.
  • Kích ứng, ngứa da.
  • Thay đổi màu da.
  • Khó thở.
  • Đẩy mụn (do tác động tăng cường hoạt động tế bào da).

Azelaic Acid có an toàn cho phụ nữ có thai?

Azelaic Acid được xếp vào nhóm có độ an toàn loại B đối với phụ nữ có thai. Điều này có nghĩa là nghiên cứu trên động vật không cho thấy bất kỳ tổn hại đến thai nhi nào và chưa có nghiên cứu nào trên người.

Do đó đây là một trong số ít các lựa chọn điều trị mụn trứng cá, bệnh hồng ban hoặc tăng sắc tố nói an toàn cacho phụ nữ mang thai [8]. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn bạn vẫn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng.

Azelaic Acid có an toàn cho người cho con bú?

Đối với đường dùng ngoài da, chỉ 4% lượng Azelaic Acid hấp thu vào máu. Khả năng tiết chất này vào sữa mẹ cũng chưa được xác định rõ. Do đó, việc sử dụng Azelaic Acid cho phụ nữ mang thai, cho con bú cần phải hết sức thận trọng và cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa [9].

Trường hợp không nên sử dụng Azelaic Acid

Một số trường hợp không nên sử dụng Azelaic Acid bao gồm [10]:

  • Dị ứng với Azelaic Acid.
  • Bệnh nhân bị hen suyễn hoặc một số vấn đề hô hấp khác.
  • Nếu bạn đang cho con bú, tránh bôi thuốc này lên vùng đầu ti.
  • Đối tượng dưới 18 tuổi.
  • Các triệu chứng không giảm sau 12 tuần sử dụng Azelaic Acid trước đó.

Tìm hiểu thêm!

Alert: Bạn không được phép sao chép nội dung hoặc xem nguồn !!