3 Lưu ý về Avobenzone – Hoạt chất chống nắng hóa học
Tháng Sáu 9, 2023 2023-06-10 12:333 Lưu ý về Avobenzone – Hoạt chất chống nắng hóa học
3 Lưu ý về Avobenzone – Hoạt chất chống nắng hóa học
Avobenzone là gì?
Avobenzone là một hoạt chất chống nắng hóa học có phổ hẹp trên tia UV-A [1]. Đây là một thành phần tan trong dầu được cấp bằng sáng chế vào năm 1973 và được FDA chấp thuận đưa vào sử dụng năm 1988 [2].
Công dụng của Avobenzone
Avobenzone hoạt động chống nắng bằng cách hấp thụ các tia UV-A rồi chuyển hóa chúng thành dạng năng lượng ít gây hại cho da hơn – nhiệt lượng. Làn da khi được bao phủ bởi Avobenzone sẽ hạn chế được sự tấn công của tia UV-A đáng kể. Từ đó ngăn ngừa được quá trình lão hóa và nguy cơ ung thư da do tác nhân này gây ra [3].
Tuy nhiên hoạt chất này lại không ngăn cản được tia UV-B trong ánh sáng mặt trời. Đây là tác nhân chủ yếu gây nên tình trạng cháy nắng và tổn hại ADN tế bào. Do đó, Avobenzone luôn được phối hợp trong các chế phẩm với những hoạt chất chống nắng phổ rộng khác để bảo vệ da toàn diện.
Cách dùng Avobenzone
– Nồng độ Avobenzone
Nồng độ tối đa của Avobenzone cho phép có mặt trong các sản phẩm kem chống nắng tùy thuộc vào từng Quốc gia. FDA Hoa Kỳ cho phép sử dụng nồng độ 3% [4]. Trong khi đó Liên minh EU chấp thuận nồng độ lên đến 5% [5].
– Thời điểm sử dụng và tần suất sử dụng
Avobenzone có khả năng chống lại tia UV-A cực tốt, tuy nhiên chúng cũng dễ bị phá hủy nhanh chóng dưới tác dụng của ánh sáng mặt trời. Thông thường, khoảng 50-90% lượng Avobenzone sẽ mất đi hoạt tính chỉ sau 1 giờ tiếp xúc với tia UV.
Các nhà sản xuất kem chống nắng thường bổ sung chất tạo độ ổn định là Octocrylene, Tinosorb M, Tinosorb S,… Những thành phần này có thể giảm thiểu sự hủy hoại Avobenzone, giúp kéo dài thời gian tác động chống nắng [6].
Tương tự như bất kỳ loại kem chống nắng nào, loại chứa Avobenzone cũng được khuyến cáo sử dụng 15 phút trước khi bước ra ngoài trời. Bôi lại kem mỗi 2 giờ hoặc khi hoạt chất bị rửa trôi nhiều như sau khi bơi, đổ mồ hôi nhiều,… [7].
Lưu ý khi sử dụng Avobenzone
– Tác dụng phụ thường gặp của Avobenzone
Avobenzone nhìn chung là một hoạt chất khá an toàn đối với sức khỏe. Tuy nhiên, một số đối tượng có làn da quá nhạy cảm khi sử dụng chất này có thể bị kích ứng hoặc dị ứng. Do đó, trước khi sử dụng nên test trước một lượng nhỏ lên tay và quan sát phản ứng của làn da [8].
– Dùng Avobenzone có gây rối loạn nội tiết không?
Một số trường hợp ghi nhận sau khi sử dụng kem chống nắng chứa Avobenzone xảy ra tình trạng rối loạn nội tiết tố [9]. FDA Hoa Kỳ cũng đã vào cuộc nghiên cứu và cho kết quả là Avobenzone có khả năng hấp thu qua [10].
Tuy nhiên cũng chính cơ quan này khuyến cáo nên tiếp tục sử dụng kem chống nắng chứa Avobenzone để bảo vệ cơ thể khỏi UV vì chưa có bằng chứng kết luận rằng chất này gây rối loạn nội tiết tố. Nhìn chung thì việc sử dụng kem chống nắng giúp ngăn ngừa loại ung thư phổ biến nhất tại Hoa Kỳ là ung thư da. Do đó, Avobenzone dường như mang lại nhiều lợi ích hơn là nguy cơ.
Trái lại, người bạn đồng hành của Avobenzone là Octocrylene lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe. Octocrylene có thể tự phân hủy tạo thành Benzophenone. Chất này đã được báo cáo là có khả năng gây ung thư và là một trong những tác nhân gây rối loạn nội tiết tố [11].
– So sánh Avobenzone và kem chống nắng vật lý
Không giống với Avobenzone, kem chống nắng vật lý thường chứa các thành phần như Kẽm oxide (Zinc oxide) hay Titan Dioxiode (Titanium dioxide). Các thành phần này không thấm qua da, giữ lại trên bề mặt và làm các tia UV phản xạ sang hướng khác thay vì đi sâu vào da.
Nhìn chung thì kem chống nắng vật lý có kích thước phân tử lớn nên ít gây kích ứng hơn, có thể tác động lên cả UV-A và UV-B. Tuy nhiên, khả năng chống lại tia UV-A của Avobenzone cao hơn nhiều so với các Oxide. Nhờ đó ngăn ngừa lão hóa, tổn thương tế bào và ung thư da tốt hơn khi phối hợp với các hoạt chất chống nắng phổ rộng.
(Nguồn: Healthline)