Blog

7 Điều cần nắm về Niacinamide (Vitamin B3)

Niacinamide
Thành phần

7 Điều cần nắm về Niacinamide (Vitamin B3)

Niacinamide là gì?

Niacinamide hay còn được gọi là Vitamin B3 là một dẫn xuất acid của dị vòng Pyridin. Chúng thường được tạo ra bởi sự chuyển hóa từ chất Niacin trong nhiều loại thực phẩm như: gan bò, ức gà và gạo. Trong cơ thể, Niacinamide sẽ được chuyển hóa thành coenzyme NAD và NADP tham gia rất nhiều phản ứng chuyển hóa quan trọng. [1]

Công thức cấu tạo của Vitamin B3
Công thức cấu tạo của Vitamin B3

Niacinamide là loại vitamin tan trong nước vì vậy chúng thường xuất hiện trong các sản phẩm Serum gốc nước. Chất này đóng góp rất nhiều trong việc cải thiện cấu trúc và bảo vệ làn da, thường sử dụng phối hợp với các dưỡng chất khác trong quy trình skincare hằng ngày.

Sự hấp thu Niacinamide trên da

Niacinamide hấp thu tốt nhất qua da trong khoảng pH 5,0 – 7,0 [2]. Ở pH quá thấp hoặc quá cao Niacinamide sẽ bị giảm tác dụng bởi 2 lý do chính:

  • Bị thủy phân: pH kiềm hoặc acid khiến Niacinamide bị thủy phân ngược trở lại thành Niacin. Chất này có khả năng kích thích tiết prostaglandin D2 gây dãn mạch dưới da khiến chúng đỏ bừng trong một thời gian [3].
  • Giảm khả năng hấp thu: pH càng xa khoảng 5,0 – 7,0 thì độ hấp thu của Niacinamide qua da sẽ càng giảm.

Công dụng của Niacinamide đối với làn da

Đối với làn da, Niacinamide có thể mang đến nhiều lợi ích như**:**

  • Ngừa mụn: Một nghiên cứu cho thấy Niacinamide 4% có hoạt tính kháng khuẩn tương đương với clindamycin 1% (một loại kháng sinh dùng để điều trị mụn viêm mức độ trung bình).
  • Chống lão hóa: Niacinamide khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành coenzyme NAD có đặc tính chống oxy hóa mạnh [4].
  • Giảm nếp nhăn: Niacinamide từ 4% có khả năng làm giảm nếp nhăn vùng mắt sau 8 tuần. [5]. Nguyên nhân là do Niacinamide có khả năng làm cũng cố liên kết chéo trong các sợi collagen và Elastin, giữ cho da săn chắc và đàn hồi [6].
  • Giảm tiết dầu thừa: Niacinamide từ 2% có thể làm giảm hoạt động và tốc độ tiết bã nhờn sau 2-6 tuần sử dụng [7] .
  • Giảm khô da: Niacinamide giúp củng cố hàng rào bảo vệ da, ngăn ngừa sự mất nước. Chất này có thể sử dụng cho bệnh nhân Rosacea giúp thiện tình trạng khô da, đóng vảy và bong tróc [8].
  • Bảo vệ làn da khỏi UV: Niacinamide từ 5% thường được phối hợp vào thành phần kem chống nắng để tối ưu hóa khả năng bảo vệ làn da khỏi ánh sáng [9].  Ngoài ra, Vitamin B3 còn giúp sửa chữa hư tổn DNA tế bào sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời [10]Một nghiên cứu năm 2020 còn cho thấy Niacinamide có rất nhiều tiềm năng trong việc ngăn ngừa ung thư da.
  • Tái tạo hàng rào bảo vệ da: Nicotinamide làm tăng tổng hợp ceramide cũng như các lipid khác của lớp sừng để phục hồi hàng rào bảo vệ da [11].
  • Giảm kích thước lỗ chân lông: Kích thước lỗ chân lông thu nhỏ bởi Niacinamide giúp da trở nên mịn màng hơn [12].
  • Làm mờ vết sạm nám: Trong một thử nghiệm năm 2011, các bệnh nhân bị nám da bôi 4% niacinamide lên một bên mặt và 4% hydroquinone lên mặt còn lại. Sau tám tuần, cả hai bên đều cho thấy sự cải thiện sắc tố tương tự nhau.
Niacinamide bảo vệ làn da từ sâu trong DNA tế bào
Niacinamide bảo vệ làn da từ sâu trong DNA tế bào

Cách dùng Niacinamide

– Nồng độ Niacinamide

Niacinamide có thể được bắt đầu với liều lượng 5% cho độ dung nạp khá tốt [13]. Nếu bạn có làn da nhạy cảm hơn thì có thể khởi trị bằng liều 2-5%. Ở nồng độ thấp này Niacinamide hầu như không có bất kỳ tác dụng phụ nào [14].

Liều lượng tối ưu để sử dụng lâu dài là từ 5 – 10% Niacinamide. Nồng độ cao hơn (tối đa 20%) thường chỉ sử dụng trong một số ít trường hợp để điều trị các vấn đề về da “cứng đầu”.

– Thời điểm dùng

Niacinamide được coi là an toàn khi sử dụng thường xuyên 2 lần/ngày. Niacinamide có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại ánh sáng mặt trời nên hoàn toàn có thể sử dụng cả ngày lẫn đêm [15].

– Tần suất sử dụng

Nên bắt đầu sử dụng Niacinamide 1 lần/ngày hoặc sử dụng cách ngày để xem phản ứng của da. Bắt đầu với liều từ 2-5%. Sau đó tăng dần tần suất sử dụng lên đến 2 lần/ngày nếu dung nạp và cho hiệu quả tốt.

Lưu ý khi sử dụng Niacinamide

– Tác dụng phụ thường gặp của Niacinamide

Tác dụng phụ của Niacinamide thường xuất hiện ở liều cao từ 10-20%. Bao gồm:

  • Nổi mụn li ti giống như phát ban.
  • Kích ứng nhẹ.
  • Ngứa.
  • Mẩn đỏ.

Cần hết sức thận trọng và hỏi kỹ ý kiến bác sĩ khi sử dụng Niacinamide trong các trường hợp sau:

  • Phụ nữ có thai và cho con bú.
  • Bệnh nhân suy gan, suy thận.
  • Bệnh nhân loét dạ dày, tá tràng.
– Niacinamide và Retinol dùng chung được không?

Các loại Retinoids như Retinol có thường có pH hoạt động tốt nhất từ 5,5 – 6,0 [16]. Đây cũng chính là khoảng pH tốt nhất dành cho Niacinamide. Do đó, trên thực tế 2 chất này hoàn toàn có thể sử dụng cùng một lúc. Lúc này nên ưu tiên dùng chế phẩm nào có kết cấu mỏng nhẹ trước để không gây bít tắc cho các bước chăm sóc tiếp theo.

Bạn có thể sử dụng Niacinamide và retinol trong cùng một quy trình chăm sóc da. Vì 2 hoạt chất  có độ pH tương tự nhau, bạn có thể sử dụng chúng cùng một lúc. Lúc này sẽ ưu tiên sản phẩm nào mỏng nhẹ hơn dùng trước để da không quá tải cho bước chăm sóc tiếp theo.

– Niacinamide và Hyaluronic acid dùng chung được không?

Cả hai thành phần này đều có độ pH tương tự nhau, vì vậy nhìn chung là an toàn khi phối hợp cùng một lúc. Tương tự với việc phối hợp với retinol, ưu tiên loại sản phẩm có kết cấu mỏng nhẹ hơn.

– Niacinamide dùng chung AHA, BHA và Vitamin C được không?

AHA, BHA và Vitamin C đều là các acid hữu cơ. Nhìn chung thì chúng có pH tối ưu khoảng 3,0 – 4,0. Thấp hơn so với pH tối ưu của Niacinamide là từ 5,0 – 7,0. Môi trường quá acid tạo ra sẽ làm giảm sự hấp thu Niacinamide và gây ra hiện tượng Niacin Flush làm đỏ da.

Để khắc phục các tình trạng trên, bạn có thể áp dụng 3 cách đơn giản sau:

  • Sử dụng thời điểm khác nhau trong ngày: Nên dùng Niacinamide ban ngày và AHA hoặc Vitamin C ban đêm. Nếu phối hợp Niacinamide với BHA, bạn có thể sử dụng bất kỳ 1 trong 2 chất này vào ban ngày và chất còn lại vào ban đêm.
  • Sử dụng các acid hữu cơ và Niacinamide vào những ngày xen kẽ trong tuần.
  • Sử dụng các acid như BHA, AHA hoặc Vitamin C trước khi sử dụng Niacinamide 30 phút.
– Niacinamide có gây đẩy mụn không?

Đẩy mụn xảy ra khi tốc độ chuyển hóa và tái tạo tế bào da gia tăng, thường gặp khi sử dụng các hoạt chất tẩy tế bào chết như Retinol, AHA hay BHA. Khi này các chất bã nhờn, mụn trứng cá nằm trong lỗ chân lông nhanh chóng bị đẩy lên trên bề mặt da cùng lúc. Tuy nhiên hiện tượng này chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn [17].

Trên thực tế, Niacinamide không làm tăng cao tốc độ chuyển hóa tế bào. Ngoài ra, thành phần này còn giảm sản xuất dầu nhờn nên lại càng giảm khả năng hình thành mụn trứng cá. Do đó, nếu một sản phẩm có chứa Niacinamide gây đẩy mụn thì xác suất cao là do tá dược hoặc các thành phần phối hợp khác ngoài Niacinamide.

Tìm hiểu thêm!

Alert: Bạn không được phép sao chép nội dung hoặc xem nguồn !!