Blog

Oxybenzone – hoạt chất chống nắng hóa học phổ rộng

Oxybenzone
Thành phần

Oxybenzone – hoạt chất chống nắng hóa học phổ rộng

Oxybenzone là gì?

Oxybenzone còn được gọi với những cái tên khác như benzophenone-3 hoặc BP-3. Đây là một hợp chất hữu cơ dạng rắn, màu vàng nhạt, dễ tan trong hầu hết các dung môi hữu cơ.

Oxybenzone có cấu trúc ketone thơm benzophenones. Thành phần này thường được bổ sung vào trong các sản phẩm đồ nhựa, nội thất, đồ chơi để tránh sự phân hủy của tia UV [1].

Cấu trúc hóa học của Oxybenzone
Cấu trúc hóa học của Oxybenzone

Trong lĩnh vực làm đẹp, Oxybenzone thường gặp nhiều trong các sản phẩm sơn móng tay, kem chóng nắng và keo vuốt tóc. Theo thống kê cho thấy Oxybenzone có mặt trong 70% sản phẩm kem chống nắng đang bán trên thị trường [2].

Khả năng chống nắng của Oxybenzone

Oxybenzone là hoạt chất chống nắng hóa học phổ rộng. Chúng có khả năng hấp thụ cả tia UVB và UVA và chuyển chúng thành năng lượng nhiệt. Nhờ đó giúp giảm nguy cơ lão hóa da và tổn thương DNA do ánh sáng mặt trời [3].

Oxybenzone giúp bảo vệ cơ thể khỏi UV-A và UV-B
Oxybenzone giúp bảo vệ cơ thể khỏi UV-A và UV-B

Cách dùng Oxybenzone

Nồng độ Oxybenzone

Nồng độ tối đa của Oxybenzone được sử dụng trong kem chống nắng ở mỗi quốc gia là khác nhau. Cụ thể:

  • Hoa Kỳ, Canada và Liên minh EU: Cho phép hàm lượng oxybenzone trong các sản phẩm chống nắng tối đa là 6% [4], [5], [6].
  • Nhật Bản: Cho phép oxybenzone sử dụng trong mỹ phẩm lên đến 5% [7].
Thời điểm và tần suất sử dụng

Tương tự như bất kỳ loại kem chống nắng nào, loại chứa Oxybenzone cũng được khuyến cáo sử dụng 15 phút trước khi bước ra ngoài trời. Bôi lại kem mỗi 2 giờ hoặc khi hoạt chất bị rửa trôi nhiều như sau khi bơi, đổ mồ hôi nhiều,… [8].

Lưu ý khi sử dụng Oxybenzone

Nguy cơ sức khỏe khi sử dụng Oxybenzone

Oxybenzone là một hoạt chất chống nắng gây tranh cải vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe như:

  • Tăng nguy cơ ung thư vú [9].
  • Làm giảm nồng độ nội tiết tố estrogen và testosterone [10], [11].
  • Oxybenzone còn được xem là một trong những tác nhân gây dị ứng phổ biến nhất trong kem chống nắng [12].
  • Oxybenzone dễ dàng hấp thu qua da vào máu. Chúng tồn tại nhiều tuần trong cơ thể và có khả năng đi vào trong sữa mẹ [13].
Tác dụng phụ thường gặp của Oxybenzone

Một số tác dụng phụ được ghi nhận khi sử dụng kem chống nắng có chứa Oxybenzone:

  • Kích ứng da và đường hô hấp [14].
  • Kích ứng mắt nghiêm trọng [15].
  • Rối loạn nội tiết tố ảnh hưởng đến khả năng chuyển hóa của cơ thể, chức năng sinh dục và hoạt động tuyến giáp [16].
Vì sao Oxybenzone bị hạn chế sử dụng ở nhiều nước?

Cơ quan lập pháp bang Hawaii đã quy định rằng việc sử dụng kem chống nắng chứa oxybenzone là bất hợp pháp kể từ năm 2021. Nguyên nhân là vì chất này gây ra một số tác động xấu đến môi trường tự nhiên tại khu vực này. hẳng hạn như gây chết san hô đang phát triển, tẩy trắng san hô, tổn thương di truyền đối với san hô và các sinh vật biển khác [17].

Oxybenzone làm ô nhiễm môi trường biển
Oxybenzone làm ô nhiễm môi trường biển

Các nghiên cứu về tác động của Oxybenzone lên môi trường được thực hiện ngày càng nhiều [18]. Kết quả dẫn đến lệnh cấm kem chống nắng có chứa oxybenzone ở nhiều khu vực khác như Palau, khu bảo tồn thiên nhiên ở Mexico, Bonaire, quần đảo Marshall, Quần đảo Virgin (Hoa Kỳ), các công viên tự nhiên biển của Thái Lan, Quần đảo Bắc Mariana và Aruba (Nguồn: Wikipedia).

Cơ quan an toàn thực phẩm Châu Âu phân loại các hoạt chất nhóm benzophenone như oxybenzone là những chất khó phân hủy, tích lũy sinh học, độc hại và có thể là chất gây ung thư, rối loạn nội tiết ở người. Một số cơ quan thẩm quyền của các quốc gia tại đây cũng đã đưa khuyến nghị giảm nồng độ oxybenzone tối đa hiện tại trong một sản phẩm từ 6% xuống 2,2% [19].

Tìm hiểu thêm!

Alert: Bạn không được phép sao chép nội dung hoặc xem nguồn !!