Blog

Zinc Oxide – Tối ưu hơn kem chống nắng hóa học

Zinc Oxide
Thành phần

Zinc Oxide – Tối ưu hơn kem chống nắng hóa học

Zinc Oxide là gì?

Kẽm oxit là một hợp chất vô cơ có công thức ZnO. Thành phần này thường được sử dụng làm chất phụ gia trong nhiều vật liệu và sản phẩm bao gồm mỹ phẩm, thực phẩm bổ sung , cao su, nhựa, gốm sứ, thủy tinh, xi măng, chất bôi trơn [1].

Zinc Oxide được sử dụng trong nhiều loại mỹ phẩm

Trong lĩnh vực mỹ phẩm, Zinc Oxide cũng được phối hợp nhiều trong các sản phẩm make up, sơn móng tay, lotion trẻ em, xà phòng tắm và bột khử mùi hôi chân đóng vai trò như chất độn hoặc tạo màu. Đặc biệt nhờ khả năng ngăn chặn tia UV tốt, Zinc Oxide cũng thường được phối hợp trong công thức kem chống nắng vật lý [2].

Phổ chống nắng của Zinc Oxide

Trong ánh sáng mặt trời, tia UV-A có bước sóng từ 315 – 400 nm và UV-B có bước sóng từ 280 – 315 nm. Zinc Oxide thông thường có khả năng hấp thu bước sóng dưới 385 nm, tức là toàn bộ UV-B và hầu hết các tia UV-A [3]. Bước sóng hấp thu cực đại của Zinc Oxide có thể thay đổi phụ thuộc vào kích thước phân tử mà mỗi nhà sản xuất tạo ra [4].

So sánh khả năng hấp thụ UV của TiO2 và kẽm oxit (Nguồn: Springer)

Zinc oxide sau khi bôi sẽ tạo một hàng rào bảo vệ da. Chúng sẽ hấp thu tia UV và chuyển chúng thành các bước sóng ít hại hoặc vô hại với làn da. Ngoài ra, Titanium dioxide còn bảo vệ cơ thể khỏi UV bằng cơ chế tán xạ ánh sáng [5]. Theo đó, tia UV sẽ gặp các phân tử TiO2 và phản xạ sang một hướng khác thay vì đi sâu vào da. Tuy nhiên cơ chế này được chứng minh là chiếm một tỉ lệ rất nhỏ so với cơ chế hấp thụ [6].

Cách dùng Zinc Oxide

Để sử dụng Zinc Oxide chống nắng hiệu quả, cần lưu ý các thông tin về nồng độ hoạt chất cũng như thời điểm sử dụng hợp lý.

Nồng độ Zinc Oxide

FDA Hoa Kỳ chấp thuận việc sử dụng Zinc Oxide vào các sản phẩm mỹ phẩm và kem chống nắng với nồng độ lên đến 25% [7]. Sự thay đổi nồng độ Zinc Oxide cũng làm thay đổi SPF của sản phẩm. Bạn có thể tính SPF của sản phẩm dựa vào thành phần hoạt chất bằng công cụ sunscreensimulator. Theo đó, 1% Zinc oxide tương ứng với SPF 1.6.

Hầu hết các bác sĩ da liễu đều khuyến cáo sử dụng ít nhất SPF 30 để bảo vệ phổ rộng [8]. Do đó, tốt nhất nên chọn loại kem chống nắng có Zinc Oxide có nồng độ từ 20% trở lên hoặc sử dụng dạng kem phối hợp với thành phần chống nắng khác để cho tác động ngăn ngừa UV tốt nhất.

(Nguồn: Skinkraft)

Thời điểm sử dụng và tần suất sử dụng Zinc Oxide

Kem chống nắng chứa Zinc oxide cũng tương tự như các loại kem chống nắng khác. Tùy thuộc vào từng hãng sản xuất mà sẽ có hướng dẫn sử dụng khác nhau. Tuy nhiên, khuyến cáo chung khi bôi kem chống nắng như sau:

  • Thời điểm dùng: Bôi kem 15 phút trước khi ra đường. Đây là thời gian cần thiết để da hấp thu các hoạt chất và cho tác động bảo vệ cơ thể tối ưu. Đặc biệt là đối với các loại kem chống nắng hóa học.
  • SPF: Để cho được hiệu quả chống nắng tối ưu thì sản phẩm nên có SPF ít nhất 30. Nếu chống nắng cho môi thì nên sử dụng son dưỡng có SPF ít nhất 15.
  • Vị trí bôi: Bôi kem đều khắp cơ thể, đặc biệt là các vị trí thường bị bỏ qua như bàn chân hay phần gáy. Trung bình mỗi người lớn sử dụng khoảng 1 ounce (28,34 g) kem để phủ toàn bộ kem trên người.
  • Bôi lại nhiều lần: Hầu hết các kem chống nắng đều sẽ mất tác dụng sau một thời gian tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Do đó, nên bôi lại kem chống nắng sau mỗi 2 giờ, sau khi tắm hoặc khi đổ mồ hôi nhiều.

(Nguồn: Medicalnewstoday)

Lưu ý khi sử dụng Zinc Oxide

Để sử dụng kem chống nắng Zinc Oxide an toàn, hiệu quả nên lưu ý một số điểm sau:

Tác dụng phụ thường gặp của Zinc Oxide

Một số báo cáo ghi nhận hít phải bột Zinc oxide có thể gây viêm phổi. Tuy nhiên, nhìn chung hoạt chất này khá an toàn khi dùng ngoài da. Zinc Oxide có mặt trong kem chống nắng và các loại mỹ phẩm được FDA Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu công nhận là an toàn và hầu như không gây tác dụng phụ đáng kể [9].

So sánh Zinc Oxide và kem chống nắng hóa học?

Hầu hết các loại kem chống nắng hóa học đều chỉ ngăn chặn được tốt UV-B mà ít tác động lên UV-A [10]. Tuy nhiên, UV-A mới thật sự là tác nhân đáng lo ngại cho da vì chúng chiếm tới 95% lượng tia cực tím mà bạn vẫn tiếp xúc hằng ngày [11].

Các thành phần trong kem chống nắng hóa học như oxybenzone hay octocrylene có khả năng hấp thu qua da [12]. Chúng tích tụ trong cơ thể gây ra các rối loạn chuyển hóa tại tuyến sinh dục, tuyến yên, tuyến giáp,… [13].

Zinc Oxide có khả năng chống lại cả UV-A và UV-B nên bảo vệ cơ thể tối ưu hơn kem chống nắng hóa học. Bên cạnh đó hoạt chất này hầu như không thấm qua lớp sừng ở da vào máu, thậm chí là ở dạng phân tử nano [14]. Do đó, kem chống nắng vật lý hầu như không rối loạn chuyển hóa trong cơ thể khi sử dụng thời gian dài.

Tìm hiểu thêm!

Alert: Bạn không được phép sao chép nội dung hoặc xem nguồn !!