Blog

6 Điều cần nắm về BHA – Thấm sâu làm sạch bã nhờn hiệu quả

BHA
Thành phần

6 Điều cần nắm về BHA – Thấm sâu làm sạch bã nhờn hiệu quả

BHA là gì?

BHA (acid beta hydroxy) là nhóm acid hữu có mặt trong nhiều loại dược liệu như vỏ cây liễu (willow tree bark), vỏ cây bạch dương ngọt (sweet birch bark), lá lộc đề xanh (wintergreen leaves).

Công thức cấu tạo phân tử salicylic acid
Công thức cấu tạo phân tử salicylic acid

Đại diện thường gặp nhất của BHA là Salicylic Acid. Hoạt chất này có nhiều ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như: làm chất bảo quản trong thực phẩm hay làm thuốc OTC giảm đau,… Trong ngành mỹ phẩm, BHA được sử dụng riêng lẽ hoặc phối hợp với AHA để tẩy tế bào chết [1].

Phân loại BHA

Số lượng hoạt chất BHA sử dụng trong lĩnh vực mỹ phẩm hiện nay khá ít. 3 đại diện thường gặp nhất bao gồm:

  • Salicylic Acid: Là hoạt chất BHA nổi tiếng nhất có khả năng tẩy tế bào chết dịu nhẹ.
  • Betain Salicylat: Là hoạt chất có sự kết hợp giữa khả năng tẩy tế bào chết của Salicylat và khả năng hút ẩm của Betain [2].
  • Chiết xuất vỏ cây liễu (willow bark extract): Là chiết xuất tự nhiên có khả năng tẩy tế bào chết dịu nhẹ, phù hợp với làn da nhạy cảm. Bên cạnh Salicylic Acid thì chiết xuất vỏ liễu còn chứa nhiều thành phần như tannins, flavonoids, phenolic acids giúp làm dịu và hỗ trợ tái cấu trúc da [3].

Sự hấp thu BHA qua da

BHA là nhóm hoạt chất tan tốt trong dầu. Nhờ đó chúng có thể thấm sâu vào các cấu trúc da và cho tác động tại đây.

Salicylic acid thường được điều chế trong môi trường có pH 3.0 – 4.0. Đây là pH tối ưu giúp BHA hấp thu qua da tốt nhất. pH càng tăng cao thì khả năng thẩm thấu qua da lại càng giảm ảnh hưởng đến hiệu quả chăm sóc da [4].

Công dụng của BHA đối với làn da

Trong ngành mỹ phẩm, BHA có rất nhiều lợi ích đối với làn da như:

  • Tẩy tế bào chết : BHA phá vỡ liên kết của các tế bào chết với tế bào da khác. Nhờ đó giúp loại bỏ chúng dễ dàng để lại lớp da tươi tắn bên dưới [5].
  • Se khít lỗ chân lông: BHA có khả năng thấm sâu vào lỗ chân lông và dọn sạch bã nhờn. Điều này giúp làm giảm kích thước lỗ chân lông và cải thiện độ mịn màn của làn da [6].
  • Kiềm dầu: Đặc tính thấm sâu của Salicylic acid giúp dọn sạch bã nhờn trên da. Ngoài ra, theo nghiên cứu năm 2019 thì BHA còn có tác động ức chế tế bào tiết bã nhờn (sebocytes) trên da hoạt động.
  • Ngừa mụn: Salicylic acid còn được biết đến là một hoạt chất tự nhiên giúp kháng khuẩn, kháng viêm ngay ở nồng độ thấp. Cùng với đó là khả năng làm sạch sâu bã nhờn giúp ngăn ngừa hình thành mụn trứng cá hiệu quả [7].
  • Trị nám: Nghiên cứu cho thấy Salicylic acid ở nồng độ cao (20-30%) có khả năng cải thiện đáng kể các tình trạng tăng sắc tố như: sạm nám, tổn thương da do cháy nắng.
  • Làm da săn chắc: Salicylic acid nồng độ cao (khoảng 30%) kích thích làm dày lớp biểu bì bằng cách tăng cường mật độ sợi Collagen và Elastin. Nhờ đó giúp da săn chắc và đàn hồi hơn [8].
BHA có khả năng thấm sâu làm sạch bã nhờn hiệu quả
BHA có khả năng thấm sâu làm sạch bã nhờn hiệu quả

Cách dùng BHA

Sau đây là một số nguyên tắc sử dụng BHA an toàn, hiệu quả cần lưu ý:

– Nồng độ BHA

BHA có thể sử dụng nồng độ từ 0,5-5%. Nếu bạn sở hữu làn da nhạy cảm thì nên lựa chọn chế phẩm Salicylic Acid < 2% [9].

– Thời điểm dùng

Không có dữ liệu cho thấy BHA khiến da nhạy cảm hơn với ánh sáng. Do đó thành phần này có thể sử dụng an toàn cả ngày lẫn đêm. Tuy nhiên, để bảo vệ làn da tốt nhất các chuyên gia khuyến cáo sử dụng loại BHA có SPF hoặc sử dụng thêm kem chống nắng đi kèm [10].

– Tần suất sử dụng

BHA có thể sử dụng mỗi ngày 1 lần nếu làn da bạn có thể chịu được. Tuy nhiên, khi mới bắt đầu sử dụng nên chọn tần suất 1-2 lần/tuần. Theo dõi phản ứng của da rồi tăng liều dần cho đến khi đạt được hiệu quả tốt nhất [11]. Nếu bạn có làn da nhạy cảm thì không nên dùng BHA quá 3 lần/tuần.

Lưu ý khi sử dụng BHA

– Tác dụng phụ thường gặp của BHA

Do BHA có tính acid, khi sử dụng không hợp lý có thể gây ra một vài hiện tượng trên da như:

  • Đỏ da.
  • Kích ứng nhẹ.
  • Khô da.
– Nên dùng AHA hay BHA?

Trên thực tế cả AHA và BHA đều cho tác động tẩy tế bào chết rất tốt. Tuy nhiên, dựa vào đặc điểm của làn da bạn có thể lựa chọn 1 trong 2 hoạt chất trên như sau:

  • Lựa chọn AHA: Ưu tiên cho làn da khô bởi AHA có khả năng cấp ẩm tốt. Nếu bạn thuộc tuýp da khô và nhạy cảm thì nên chọn loại Acid Lactic vì loại này ít gây kích ứng nhất trong các AHAs.
  • Lựa chọn BHA: Ưu tiên cho làn da dầu vì BHA có khả năng làm sạch sâu trong lỗ chân lông. Nhờ đó mà bã nhờn được dọn dẹp triệt để và ngăn ngừa mụn trứng cá tận gốc [12]. Ngoài ra, phân tử BHA thường có kích thước lớn nên ít gây kích ứng. Do đó, BHA liều thấp là lựa chọn ưu việt cho đối tượng da nhạy cảm.
BHA và AHA đều cho tác động tẩy tế bào chết hiệu quả
BHA và AHA đều cho tác động tẩy tế bào chết hiệu quả
– BHA và Retinol dùng chung được không?

Khi phối hợp BHA và Retinol, da của bạn sẽ được chăm sóc tốt hơn bằng nhiều cơ chế khác nhau. Tuy nhiên, việc sử dụng 2 hoạt chất này cùng lúc có thể gây ra một số vấn đề như:

  • Giảm hấp thu qua da: Các loại Retinoids như Retinol có thường có pH hoạt động tốt nhất từ 5,5 – 6,0 [13]. Trong khi đó BHA thường hấp thu tốt trong khoảng pH từ 3.0 – 4.0. Việc sử dụng cùng lúc 2 hoạt chất này có thể làm giảm sự hấp thu của cả 2 và ảnh hưởng đến hiệu quả chăm sóc da.
  • Gây khô da: Cả Retinol và BHA đều là những thành phần nổi tiếng là gây khô da. Khi sử dụng đồng thời có thể khiến da bạn dễ bong tróc và viêm hơn.
  • Giảm tác dụng của Retinol: pH acid của BHA làm chậm lại quá trình chuyển hóa Retinol thành dạng hoạt động là Retinoic acid. Do đó làm tác động của Retinol kém đi đáng kể [14].

Để khắc phục các tình trạng trên, bạn có thể áp dụng 3 cách đơn giản sau:

  • Sử dụng BHA ban ngày và Retinol ban đêm.
  • Sử dụng BHA và Retinol vào những ngày xen kẽ trong tuần.
  • Sử dụng BHA trước Retinol 30 phút.
– BHA và Vitamin C dùng chung được không?

BHA có pH hoạt động tối ưu khoảng 3.0 – 4.0. Đây cũng chính là pH mà L-Ascorbic có khả năng hấp thụ vào da tốt nhất. Do đó Vitamin C dạng L-Ascorbic hoàn toàn có thể sử dụng cùng lúc với BHA.

Tuy nhiên, tất cả các hoạt chất trên đều là acid. Việc sử dụng đồng thời quá nhiều chất có pH thấp làm da dễ bị kích ứng. Đặc biệt là khi sử dụng dạng vitamin C có hoạt tính mạnh nhất là L-Ascorbic. Trong trường hợp này, bạn có thể lựa chọn 1 trong 2 phương án sau:

  • Sử dụng khác buổi: Bạn sẽ sử dụng BHA vào ban ngày (vì chất này có thể bảo vệ da trước UV). Buổi còn lại trong ngày sẽ sử dụng L-Ascorbic acid.
  • Sử dụng cách ngày: Sử dụng Vitamin C và AHA/BHA vào 2 ngày khác nhau.

Nếu bạn sử dụng Vitamin C ở dạng dẫn xuất của L-Ascorbic acid. Các chất này thường có pH cao hơn và làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thu của BHA [11]. Khi này nếu muốn sử dụng đồng thời, hãy dùng BHA trước và đợi 30 phút. Sau đó mới sử dụng các sản phẩm chứa dẫn xuất Vitamin C.

– BHA và Niacinamide dùng chung được không?

Khô da là tác dụng phụ thường gặp khi bắt đầu sử dụng BHA. Trong khi đó, Niacinamide giúp ổn định hàng rào bảo vệ da và làm da giữ ẩm tốt hơn. Tác động này bỗ trợ cho BHA, làm tăng hiệu quả chăm sóc da và ngăn ngừa những kích ứng da không mong muốn.

Tuy nhiên, việc sử dụng cùng lúc BHA và Niacinamide có thể gây ra một số vấn đề như:

  • Giảm hấp thu hoạt chất: Niacinamide có pH hoạt động tối ưu khoảng 6.0 trong khi BHA thường có pH khoảng 3.0 – 4.0. Sự thay đổi pH khi trộn lẫn 2 thành phần này làm giảm hấp thu các hoạt chất.
  • Gây phản ứng đỏ da (Niacin Flush): pH acid của BHA xúc tác phản ứng thủy phân Niacinamide thành Niacin. Chất này có khả năng kích thích tiết prostaglandin D2 gây giãn mạch dưới da. Hậu quả là làm vùng da vừa được chăm sóc trở nên đỏ bừng trong một thời gian [15].
Tình trạng Niacin Flush khiến da đỏ ửng
Tình trạng Niacin Flush khiến da đỏ ửng

Để được hưởng lợi ích tối ưu nhất từ AHA và Niacinamide, có thể áp dụng những cách đơn giản sau:

  • Dùng chế phẩm chứa cả Niacinamide và BHA: Một số dạng sản phẩm có chứa cả 2 chất BHA và Niacinamide. Dạng này thường áp dụng công nghệ bào chế hiện đại để các hoạt chất được ổn định và duy trì hiệu quả tốt nhất mà không gây các tác dụng phụ kể trên.
  • Sử dụng khác buổi: Cả BHA và Niacinamide đều an toàn khi sử dụng cả ngày lẫn đêm. Bạn có thể sử dụng 2 thành phần này vào 2 buổi khác nhau trong ngày tùy vào sở thích [16].
  • Sử dụng cách ngày: Sử dụng Niacinamide và BHA vào những ngày xen kẽ nhau.
  • Dùng cách nhau 30 phút: Sử dụng BHA trước, đợi 30 phút sau đó đến Niacinamide.

Tìm hiểu thêm!

Alert: Bạn không được phép sao chép nội dung hoặc xem nguồn !!