Blog

Thành phần Benzoyl Peroxide – hoạt chất trị mụn hàng đầu hiện nay

Thành phần benzoyl peroxide
Thành phần

Thành phần Benzoyl Peroxide – hoạt chất trị mụn hàng đầu hiện nay

Thành phần Benzoyl Peroxide là gì?

Benzoyl Peroxide là một trong những hoạt chất trị mụn lâu đời nhất được các bác sĩ da liễu sử dụng từ năm 1960. Các nghiên cứu về tác động của Benzoyl Peroxide trong lĩnh vực da liễu đã xuất hiện từ hàng trăm năm trước [1]. Trên thực tế, hoạt chất này được sử dụng rất phổ biến trong nhiều chế phẩm kê đơn và không kê đơn. Đây là hoạt chất trị mụn được kê đơn nhiều thứ hai ở Hoa Kỳ sau Adapalene (được dùng trong 12,8% trường hợp) [2].

Cấu trúc phân tử Benzoyl Peroxide
Cấu trúc phân tử Benzoyl Peroxide

Công dụng của thành phần Benzoyl Peroxide

Nhắc đến Benzoyl Peroxide, nhiều người chỉ nghĩ rằng đây là một hoạt chất trị mụn và chỉ có duy nhất chức năng này. Thật ra hoạt chất này còn có thể hoạt động như một chất tẩy tế bào chết và kháng nấm. Tất cả công dụng của Benzoyl Peroxide sẽ được trình bày chi tiết ngay sau đây:

Trị mụn

Thành phần Benzoyl Peroxide giúp giảm tình trạng mụn viêm, mụn trứng cá theo 2 cơ chế sau:

  • Diệt khuẩn: Thành phần Benzoyl Peroxide khi bôi lên da sẽ được phân hủy thành các gốc tự do Benzoyl. Chính các gốc tự do này gây ra các phản ứng oxy hóa làm hư hại màng tế bào vi khuẩn gây mụn. Không giống như thuốc kháng sinh, Benzoyl Peroxide không gây ra tình trạng đề kháng thuốc ở vi khuẩn. Vì vậy trong một số phác đồ điều trị bằng kháng sinh dài hạn, các bác sĩ thường phối hợp thêm hoạt chất này để giảm số lượng vi khuẩn kháng thuốc [3]. Benzoyl Peroxide không chỉ giúp giảm mụn bằng dạng bào chế “leave on” tức là các dạng thuốc bôi để lại trên da mà còn hiệu quả khi sử dụng dưới dạng “rinse off” như sữa rửa mặt. Nghiên cứu đã cho thấy nhóm việc sử dụng sữa rửa mặt Benzoyl Peroxide 10% 2 lần/ngày giúp giảm đến 97,5% lượng vi khuẩn P.acnes trên da sau 15 ngày [4].
  • Kháng viêm: Benzoyl Peroxide có tác dụng chống viêm bằng cách ngăn chặn quá trình sản xuất các gốc tự do trong bạch cầu trung tính [5].
Tác động trị mụn của Benzoyl Peroxide
Tác động trị mụn của Benzoyl Peroxide

Chống nấm da

Thành phần Benzoyl Peroxide có phổ tác động trên nhiều loại nấm đặc biệt là malassezia và candida. Thậm chí tác dụng kháng nấm malassezia còn được đánh giá là nhanh và mạnh hơn tác dụng chống P.acnesstaphylococcus. Điều này giải thích tại sao benzoyl peroxide giúp ích trong nhiều trường hợp bệnh nhân bị viêm da tiết bã do nấm [6].

Làm sạch lỗ chân lông

Trong ngành làm đẹp, acid salicylic hay BHA được cho là một trong những nhân tố quan trọng giúp tẩy tế bào chết và làm sạch sâu lỗ chân lông. Theo các nghiên cứu hiện có, thành phần Benzoyl peroxide hoàn toàn có thể cho được những tác động tương tự. Khi vào da, Acid Benzoic là một sản phẩm phân hủy của Benzoyl peroxide có khả năng xâm nhập và làm sạch sâu lỗ chân lông, cải thiện tình trạng bít tắc, nhờ đó giúp tẩy tế bào chết và giúp da thông thoáng hơn [6], [7].

Cách dùng thành phần Benzoyl Peroxide

Để sử dụng Benzoyl Peroxide với hiệu quả và độ an toàn cao nhất, nên nắm rõ một số điểm cơ bản sau đây:

Nồng độ thành phần Benzoyl Peroxide cho phép sử dụng

Theo FDA Hoa Kỳ (U.S. Food and Drug Administration), thành phần benzoyl peroxide được cho phép sử dụng trong các chế phẩm bôi ngoài không kê đơn (OTC) với nồng độ từ 2,5 – 10% [8]. Điều kiện để được bán như một chế phẩm OTC là Benzoyl Peroxide phải là hoạt chất duy nhất chứa trong đó. Một số sản phẩm chứa Benzoyl Peroxide với các thành phần khác hoặc Benzoyl peroxide sử dụng ở dạng sữa tắm toàn thân (body wash) được xếp vào thuốc kê đơn và chỉ được sử dụng khi có sự quyết định từ bác sĩ chuyên khoa.

Với mục đích trị mụn, Benzoyl peroxide được khuyến cáo nên sử dụng ở nồng độ 2,5%. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc tăng nồng độ peroxide lên 10% không có khác biệt về mặt hiệu quả so với nồng độ 2,5% nhưng tỉ lệ gây kích ứng lại cao hơn [9]. Ngoài ra, tùy thuộc vào vị trí cơ thể mà bạn có thể lựa chọn nồng độ Benzoyl Peroxide phù hợp. Chẳng hạn như vùng da mặt nên chọn nồng độ khoảng 4% (hoặc thấp hơn), trong khi mụn ở lưng và ngực có thể sử dụng ở nồng độ cao hơn.

(Nguồn: Healthline)

Tần suất sử dụng hợp lý

Thành phần benzoyl peroxide có thể sử dụng với tần suất tối đa là 2 lần/ngày. Nên sử dụng sau khi làm sạch và cân bằng pH da bằng toner, chỉ bôi lên xung quanh vùng bị mụn (chấm mụn) không nên bôi ở vùng da lành vì làm tăng nguy cơ kích ứng. Hãy đợi khoảng vài giây cho Benzoyl peroxide khô hẵn rồi sử dụng tiếp dưỡng ẩm ở các bước sau đó nếu có.

(Nguồn: Healthline)

Lưu ý khi sử dụng thành phần Benzoyl Peroxide

Tác dụng phụ thường gặp của thành phần Benzoyl Peroxide

Benzoyl Peroxide có tác động khá tương đồng với BHA trên da tuy nhiên lại không được sử dụng rộng rãi để tẩy tế bào chết trên da. Nguyên nhân là vì Benzoyl Peroxide không dễ sử dụng và có khả năng gây kích ứng cao. Nghiên cứu cho thấy nó có khả năng gây viêm da tiếp xúc với các biểu hiện như khô, bong tróc da, đỏ và ngứa trên 67% người dùng [10].

Ngoài ra, một số báo cáo còn cho thấy benzoyl peroxide còn dẫn đến ban đỏ và tăng nhẹ độ nhạy cảm với ánh nắng mặt trời ở một số đối tượng [11].

Cách làm giảm kích ứng da gây ra bởi Benzoyl Peroxide

May mắn thay, các phản ứng kích ứng, viêm da tiếp xúc gây ra bởi Benzoyl Peroxide thường xuất hiện khi tiếp xúc trong thời gian dài. Nếu gặp phải tình trạng kích ứng, bạn có thể chuyển từ dạng kem (hoặc gel, lotion,…) bôi sang dạng sữa rửa mặt có chứa Benzoyl Peroxide. Nghiên cứu đã kết luận rằng tiếp xúc với Benzoyl Peroxide 9,8% trong khoảng thời gian 2 phút rồi rửa sạch có tác động giảm số lượng P. acnes tương đương với sản phẩm “leave on” chứa benzoyl peroxide 5,3% [12].

Trên thị trường hiện nay, các dòng sữa rửa mặt thường chứa Benzoyl peroxide với nồng độ thấp hơn 9,8%. Chẳng hạn như sản phẩm Cerave Acne Foaming Cream Cleanser chứa 4% Benzoyl peroxide. Do đó, để đảm bảo hiệu quả thì nên kéo dài thời gian tiếp xúc với sản phầm > 2 phút và theo dõi phản ứng của da sau một thời gian. Từ đó căn chỉnh lại thời gian phù hợp để đạt hiệu quả trị mụn cao nhất.

Sữa rửa mặt Cerave Acne Foaming Cream Cleanser chính hãng
Sữa rửa mặt Cerave Acne Foaming Cream Cleanser chính hãng

Phối hợp Benzoyl Peroxide với Retinoids được không?

Việc phối hợp Benzoyl Peroxide gặp rất nhiều tranh cải. Hầu hết các chuyên gia đều không phủ nhận rằng khi phối hợp cả 2 thành phần trên vào Routine chăm sóc da thì hiệu quả trị mụn sẽ cao hơn khi dùng đơn lẽ từng chất. Tuy nhiên, thành phần Benzoyl Peroxide là một chất oxy hóa trong khi các hợp chất Retinoids được biết đến với tên là “thần dược chống oxy hóa”. Nói cách khác thì Benzoyl sẽ làm mất tác dũng của Retinoids khi sử dụng tại cùng một thời điểm. Nếu muốn phối hợp cả Benzoyl Peroxide và Retinoids, bạn có thể áp dụng một số cách sau:

  • Sử dụng 2 thời điểm khác nhau trong ngày: các chuyên gia khuyến cáo nên sử dụng Benzoyl Peroxide vào ban ngày và Retinoids vào ban đêm [13].
  • Sử dụng chế phẩm có cả 2 thành phần: Trên thực tế, tại Hoa Kỳ một biệt dược có tên là Twyneo được FDA chấp thuận sử dụng trong điều trị mụn dai dẳng. Đây là một thuốc kê đơn và trong thành phần có chứa 0,1% Tretinoin (một loại Retinoids chuyên trị mụn) và 3% Benzoyl peroxide. Tuy nhiên cả 2 hoạt chất đều được chứng minh vẫn hoạt động tốt. Nguyên nhân là do nhà sản xuất đã áp dụng công nghệ vi nang (microencapsulation) giúp đảm bảo 2 hoạt chất trên không “chạm mặt” nhau trong suốt thời gian tác dụng [14].

Lưu ý rằng cả 2 Benzoyl peroxide và Retinoids đều rất nổi tiếng với những tác dụng phụ như khô da, kích ứng, bong tróc da,… Vì vậy, việc phối hợp 2 thành phần này cần hết sức thận trọng, đặc biệt là đối với đối tượng da nhạy cảm.

Phối hơp Benzoyl Peroxide với BHA được không?

Bạn có thể dùng BHA trước khi sử dụng Benzoyl Peroxide để loại bỏ bụi bẩn, bã nhờn, và tế bào chết trên bề mặt. Điều này giúp cho Benzoyl Peroxide dễ dàng thấm sâu và tiêu diệt vi khuẩn gây mụn hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, khi phối hợp BHA và Benzoyl Peroxide cần lưu ý một số điểm sau:

  • Với các sản phẩm có chứa BHA, cách sử dụng thường là bôi lên toàn bộ da mặt trong khi Benzoyl Peroxide thì thường sử dụng bằng cách chấm mụn.
  • BHA có thể dùng sau khi đã hết mụn và bôi được lên da trong một thời gian dài. Benzoyl Peroxide chỉ dùng ở vùng da bị mụn, không dùng trên da lành.
  • Nếu da mụn nhiều khắp mặt thì có thể dùng các dạng Benzoyl Peroxide lotion, kem lỏng hoặc kết hợp với thành phần khác để bôi trên diện rộng.
  • Việc kết hợp BHA và Benzoyl Peroxide còn phụ thuộc nhiều vào cơ địa da của mỗi người. Nếu da khô, nhạy cảm thì cần tư vấn của bác sĩ trước khi kết hợp 2 hoạt chất này.

(Nguồn: Paula’s Choice)

Nhìn chung, Benzoyl Peroxide là một trong những thành phần giúp điều trị mụn hiệu quả nhất hiện nay. Hy vọng những thông tin trên giúp bạn có thêm nhiều kiến thức hữu ích trong việc chăm sóc da. Cùng theo dõi thêm nhiều bài viết tại Drskinacademy.com để cập nhật thêm thông tin của nhiều hoạt chất chăm sóc da mới.

Alert: Bạn không được phép sao chép nội dung hoặc xem nguồn !!