Blog

Thành phần Squalane – 5 điều cần biết khi sử dụng để cấp ẩm cho da

Thành phần squalane
Thành phần

Thành phần Squalane – 5 điều cần biết khi sử dụng để cấp ẩm cho da

Thành phần Squalane là gì?

Squalane là một phân tử Hydrocarbon bão hòa, tức là không có nối đôi trong phân tử và không có bất kỳ nhóm thế nào trên mạch Carbon. Cấu trúc này tạo nên một phân tử thân dầu (tan tốt trong dầu và không tan trong nước).

Về bản chất thì Squalane chính là phân tử Squalene sau khi được hydro hóa tất cả các nối đôi. Squalene là thành phần tự nhiên được tiết trên bề mặt da dưới dạng bã nhờn (chiếm khoảng 10-16% lượng bã nhờn) [1]. Vì vậy cả 2 thành phần trên đều khá thân thiện với cơ thể và có độ an toàn cao khi sử dụng.

Trong lĩnh vực mỹ phẩm, Squalene thường ít được sử dụng vì chất này dễ bị oxy hóa và sản sinh ra các gốc tự do gây hại cho da. Trái lại, Squalane với độ bền về mặt hóa học cao thường được phối hợp vào các loại sản phẩm làm sạch, dưỡng ẩm và kiềm dầu cho da. Về nguồn gốc thì squalene trước đây thường được sản xuất từ dầu gan cá mập. Tuy nhiên hầu hết nguồn squalane sử dụng trong mỹ phẩm ngày nay được chiết xuất từ thực vật như: dầu ô liu, cám lúa mì, cám gạo, mía và rau dền (Nguồn: Paula’s choice).

Cấu trúc phân tử Squalene và squalane
Cấu trúc phân tử Squalene và squalane

Công dụng của thành phần Squalane

Trong ngành làm đẹp hiện nay, squalane xuất hiện trong rất nhiều bảng thành phần mỹ phẩm thuộc các thương hiệu lớn. Sở dĩ như vậy là vì squalane mang lại rất nhiều lợi ích với làn da như:

  • Chống mất nước:Squalane có khả năng thấm rất tốt vào hàng rào bảo vệ da giúp lấp đầy các khoảng trống của cấu trúc này. Điều này giúp tăng cường khả năng chống mất nước qua biểu bì của hàng rào lipid mà không gây cảm giác bết dính khó chịu [2].
  • Giảm dầu thừa:Tuy chưa phải là tác dụng được công bố chính thống, tuy nhiên rất nhiều trường hợp cải thiện đáng kể sự tiết dầu sau một thời gian sử dụng Squalane. Cơ chế của tác động này có thể liên quan đến việc squalane có cấu trúc tương tự với thành phần của bã nhờn. Vì vậy khi bôi thành phần này lên da, cơ thể sẽ nhận được tín hiệu “đã thừa lượng bã nhờn” và ngưng tiết dầu [3].
  • Hỗ trợ điều trị mụn và viêm da:Squalane có đặc tính kháng khuẩn nhẹ và làm dịu da [4]. Trên thực tế loại dầu này cũng được sử dụng để tăng cường khả năng điều trị mụn và các bệnh lý viêm da cơ địa như bệnh chàm.
Tác dụng trên da của thành phần Squalane
Tác dụng trên da của thành phần Squalane

Cách dùng thành phần Squalane

Để phát huy công dụng của squalane một cách hiệu quả nhất, khi sử dụng người dùng cần hiểu rõ một số thông tin sau:

Nồng độ thành phần Squalane được cho phép sử dụng

Squalane là một thành phần khá thân thiện với làn da và cơ thể người, vì vậy nồng độ được chấp thuận sử dụng trong mỹ phẩm khá cao. Theo PCPC (Personal Care Products Council) năm 2018, Squalane có thể được sử dụng trên người với nồng độ tối đa lên đến 96,8% [5].

Khi nào cần dùng Squalane

Nhìn chung, những ai có hàng rào bảo vệ da hư tổn hay muốn tăng cường khả năng giữ ẩm da thì đều có thể bổ sung squalane vào routine. Tuy nhiên, trên 30 tuổi là thời điểm là lượng squalene tự nhiên trên cơ thể tiết ra ít hơn. Do đó, đây cũng là độ tuổi nên bắt đầu sử dụng thêm các sản phẩm chứa squalane để ngăn ngừa khô da và kích ứng.

Lưu ý khi sử dụng thành phần Squalane

Hiện nay, rất nhiều người chưa hiểu rõ về đặc tính của squalane hoặc đôi khi nhầm lẫn chất này với người anh em “squalene”. Điều này dẫn đến một số nhận định sai lầm khiến việc chăm sóc da trở nên không hiệu quả và thậm chí là gây hại. Sau đây là một số điểm lưu ý khi sử dụng thành phần squalane:

Tác dụng phụ thường gặp của thành phần Squalane

Đây là một trong những thành phần gốc dầu an toàn nhất được sử dụng để làm mỹ phẩm. Theo EWG’s Skin Deep®, Squalane được các chuyên gia đánh giá có mức điểm an toàn cao nhất (mức 1/10 khi xét về khả năng gây tác dụng phụ). Ngoài ra, nghiên cứu trên động vật còn cho thấy Squalane ở nồng độ 100% không hề gây kích ứng trên da và thậm chí là trên mắt [5].

Squalane có chống oxy hóa không?

Về mặt cấu trúc hóa học, squalane có cấu trúc mạch carbon no không chứa nối đôi. Đây là một dạng cấu trúc bền với các tác nhân oxy hóa hay nói cách khác là không hiệu quả khi dùng chất này để chống oxy hóa.

Tác dụng chống oxy hóa có thể được biểu hiện ở Squalene (dạng có chứa nối đôi). Khi đó các chất oxy hóa sẽ tương tác với liên kết đôi trong phân tử thay vì các thành phần khác của tế bào da [6]. Tuy nhiên, khi Squalene bị oxy hóa sẽ tạo ra dạng Squalene peroxide được chứng minh là gây kích thích tăng sinh tế bào sừng, viêm nhiễm và mụn trứng cá [7], [8].

Nguồn gốc của Squalane có quan trọng không?

Squalane rất an toàn, tuy nhiên tạp chất sinh ra trong quá trình tinh chế Squalane lại có thể gây ra nhiều tác dụng phụ trên da. Lượng tạp chất này rất khác nhau ở các nguồn squalane khác nhau. Squalane có nguồn gốc từ dầu gan cá mập là loại có độ tinh khiết cao nhất (khoảng 99%). Tuy nhiên do một số vấn đề về luật động vật nên dạng này ít được các nhà sản xuất mỹ phẩm chú trọng.

Đối với nguồn gốc từ thực vật, Squalane có độ tinh khiết cao nhất khi chiết xuất từ dầu ô liu và mía (độ tinh khiết từ 75-94%.). Trong 2 loại trên, Squalane nguồn gốc từ Ô liu có thể chứa một số tạp chất như sáp thực vật mạch dài, acid béo tự do chưa bão hòa, phytosterol gây ra một số phản ứng không mong muốn trên da [9], [10]. Hàm lượng các tạp chất trên dao động khoảng từ 8-16% tùy thuộc vào nhà sản xuất.

Dạng Squalane từ mía có độ tinh khiết cao hơn (khoảng 92-94 %) với các tạp chất ít độc tính hơn như: Isosqualane (3–5%), Monocyclosqualane (1–3%), Hemisqualane (C15; 0–1%), Sesquisqualane (C45; 0–1%) [11]. Và tất nhiên, đi đôi với độ tinh khiết thì giá thành của dạng Squalane từ mía cũng sẽ đắt hơn dạng từ dầu ô liu. Do đó, hãy cân nhắc giữa giá thành và hiệu quả để lựa chọn ra loại squalane phù hợp nhất cho bản thân.

Squalane có nguồn gốc từ mía và dầu ô liu
Squalane có nguồn gốc từ mía và dầu ô liu

Một số sản phẩm chứa thành phần Squalane tốt nhất

Kem Dưỡng Ẩm Ultra Facial Cream KIEHL’S

Ultra Facial Cream KIEHL’S là một trong những dòng kèm dưỡng ẩm được ưa chuộng nhất hiện nay. Với chất kem mỏng nhẹ cùng bộ hoạt chất giúp dưỡng ẩm sâu cực tốt gồm Glycerin, Sodium Hyaluronate, Oryza Sativa Bran Oil (dầu cám gạo), Persea Gratissima Oil (Dầu trái bơ),… Phối hợp với Squalane giúp hoạt chất thấm sâu mang lại làn da mịn màng, căng mọng.

Kem dưỡng ẩm chứa Squalane đến từ thương hiệu KIEHL’S
Kem dưỡng ẩm chứa Squalane đến từ thương hiệu KIEHL’S

Tinh chất The Ordinary 100% Plant Derived Hemi Squalane

Với Squalene có nguồn gốc từ thực vật kết hợp Thành phần C13-16 Isoparaffin giúp dưỡng ẩm tuyệt đối, ngăn ngừa tình trạng mất nước và khiến da trở nên mịn màng hơn. Đây là một trong những dòng sản phẩm được công bố là sử dụng Squalane có nguồn gốc từ mía với giá thành khá phải chăng được rất nhiều người ưa chuộng.

Tinh chất The Ordinary 100% Plant Derived Hemi Squalane chính hãng
Tinh chất The Ordinary 100% Plant Derived Hemi Squalane chính hãng

Như vậy, Drskin Academic đã điểm qua các đặc điểm cơ bản của thành phần Squalane. Hy vọng sau bài viết sẽ cung cấp được nhiều kiến thức hữu ích giúp bạn sử dụng cũng như lựa chọn được sản phẩm chăm sóc da chứa Squalane phù hợp.

Alert: Bạn không được phép sao chép nội dung hoặc xem nguồn !!