Blog

6 Điều cần biết về Vitamin C

Vitamin-C
Thành phần

6 Điều cần biết về Vitamin C

1.Vitamin C là gì?

Vitamin C hay Ascorbic acid là một dạng Vitamin cơ thể con người không tự tổng hợp được. Hoạt chất này tan tốt trong nước và có mặt trong nhiều loại thực phẩm như: dâu, ổi, ớt, súp lơ xanh, kiwi, cam,…

Cấu trúc hóa học của phân tử Ascorbic acid

Khi sử dụng với đường uống với liều từ 30 – 180 mg/ngày, khoảng 70-90% lượng vitamin C sẽ được hấp thu vào cơ thể [1]. Tại đây hoạt chất này thực hiện rất nhiều công dụng đối với sức khỏe con người như: chống oxy hóa, nâng cao đề kháng, cải thiện khả năng hấp thu sắt, bảo vệ tim mạch, chống lão hóa,…

2.Phân loại Vitamin C

Hiện nay trong lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp, Vitamin C thường được sử dụng 2 dạng là:

  • L-Ascorbic acid: Là dạng tinh khiết trực tiếp cho ra các tác động trên cơ thể. Do đó, đây cũng là dạng có hoạt tính mạnh nhất. Nhược điểm là chúng dễ bị oxy hóa bởi nhiệt độ, độ ẩm và các tác nhân môi trường.
  • Dẫn xuất của L-Ascorbic acid (Vitamin C derivatives): Là các dẫn xuất dạng muối, Glucoside, Ether hoặc Ester của L-Ascorbic acid. Khi được hấp thu vào da sẽ bị chuyển đổi thành dạng L-Ascorbic mới cho tác dụng. Do đó, các dạng này thường có hoạt tính yếu hơn dạng tinh khiết nhưng cũng sẽ ổn định và dễ bảo quản hơn.

Sau đây là bảng tham khảo về các đại diện thường gặp của các dẫn xuất Vitamin C

Nhóm Đại diện thường gặp Khả năng tan
Dạng tinh khiết L-Ascorbic Acid Tan tốt trong nước
Dạng Muối Sodium Ascorbyl 

Phosphate Magnesium Ascorbyl 

Phosphate Calcium Ascorbate 

Magnesium Ascorbate 

Sodium Ascorbate

Tan tốt trong nước Tan tốt trong nước Tan tốt trong nước Tan tốt trong nước Tan tốt trong nước
Dạng Glucoside Ascorbyl Glucoside Tan tốt trong nước
Dạng Ester Ascorbyl Tetraisopalmitate 

Ascorbyl Palmitate 

Tetrahexyldecyl Ascorbate

Tan tốt trong dầu Tan tốt trong dầu Tan tốt trong dầu
Dạng Ether Ethyl Ascorbic Acid Tan tốt trong nước

 

(Nguồn tham khảo: Formulabotanica)

 

3.Sự hấp thu Vitamin C trên da

Mỗi loại Vitamin C khác nhau sẽ được bào chế ở một pH nhất định giúp chúng hấp thu vào da tốt nhất. Sau đây là bảng tham khảo về pH tối ưu của một số dạng Ascorbic acid dùng ngoài da thường gặp:

 

Nhóm Đại diện thường gặp pH hấp thụ tốt nhất vào da
Dạng tinh khiết L-Ascorbic acid < 3.5 [2]
Dạng Muối Sodium Ascorbyl Phosphate

Magnesium Ascorbyl Phosphate

6.0-7.0 6.0-7.0
Dạng Glucoside Ascorbyl glucoside 5.0 – 7.0
Dạng Ether Ethyl ascorbic acid 4.0-5.5
Dạng Ester Ascorbyl tetraisopalmitate 4.0-6.0

(Nguồn tham khảo: Theskincareedit)

Trong các dẫn xuất trên thì dạng Ester như Tetraisopalmitate là dạng có độ ổn định cao và tốc độ hấp thu vào da nhanh nhất. Ngoài ra, đây còn là dẫn xuất “không” gây kích ứng phù hợp với đối tượng làn da nhạy cảm [3].

4.Công dụng của Vitamin C đối với làn da

Đối với ngành chăm sóc sắc đẹp, Vitamin C là một trong những nhóm hợp chất đa năng nhất. Chúng có thể cải thiện hầu hết các vấn đề về da như:

  • Xoá thâm quầng mắt: Vitamin C có khả năng làm mờ và xóa thâm vị trí quầng mắt mới xuất hiện (do thiếu ngủ) hiệu quả [4].
  • Giảm sạm nám: Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy Vitamin C có tác dụng tuyệt vời trong việc ngăn ngừa tình trạng tăng sắc tố do tiếp xúc nhiều với tia UV.
  • Ngăn ngừa lão hóa: Các dẫn xuất của Ascorbic acid mang hoạt tính chống oxy hóa, ngăn ngừa hoạt động của các gốc tự do tốt. Do đó giúp giảm thiểu tình trạng lão hóa sớm [5].
  • Tăng cường tổng hợp Collgen: Vitamin C là thành phần không thể thiếu giúp tạo nên collagen tuýp 1 và tuýp 3 trong da. Nhờ đó giúp tăng tính đàn hồi, giúp da dẻ mịn màng và tươi trẻ hơn [6].
  • Giữ ẩm: Một nghiên cứu tại Đức cho thấy làn da của những người sử dụng các sản phẩm chứa vitamin C thường có độ ẩm và độ đàn hồi tốt hơn [7].
  • Làm dịu da: Vitamin C có khả năng ngăn ngừa tổn thương các mao mạch. Nhờ đó làm giảm thiểu các triệu chứng đỏ, ngứa, kích ứng trong các bệnh lý về da như bệnh chàm hay rosacea) [7].
Công dụng của Vitamin C đối với làn da

5.Cách dùng Vitamin C

Trong ngành mỹ phẩm, vitamin C thường được bào chế trong các sản phẩm dưỡng ẩm hoặc dạng Serum. Trong đó, dạng Serum thường có nồng độ Vitamin C thấp hơn nhưng khả năng thấm và tác động nhanh hơn. Do đó, đây cũng là dạng mà nhiều chuyên gia da liễu khuyến khích sử dụng [8].

Vitamin C thường được bào chế ở dạng Serum hoặc kem dưỡng ẩm
– Thời điểm dùng

Quy trình chăm sóc da hằng ngày với Serum Vitamin C nên được thực hiện lần lượt với thứ tự như sau:

  1. Sữa rửa mặt.
  2. Toner.
  3. Serum Vitamin C.
  4. Kem dưỡng ẩm.
  5. Kem chống nắng phổ rộng với SPF ít nhất là 30 (nếu là ban ngày).
– Tần suất sử dụng

Đối với đa số mọi người, tần suất sử dụng Serum vitamin C tốt nhất là 2 lần/ngày vào buổi sáng và tối. Tuy nhiên, đối với những người có làn da nhạy cảm hơn. Khi sử dụng với tần suất trên cảm thấy da bị khô và kích ứng có thể giảm xuống 1 lần/ngày hoặc sử dụng 2 ngày/lần [9].

6.Lưu ý khi sử dụng Vitamin C

– Tác dụng phụ thường gặp của Vitamin C

Do Vitamin C có tính acid, khi sử dụng không hợp lý có thể gây ra một vài hiện tượng trên da như:

  • Ngứa.
  • Đỏ da.
  • Kích ứng.
  • Khô da.
  • Làm tăng độ nhạy cảm của da với ánh sáng.
– Vitamin C và Retinol dùng chung được không?

Retinol và Vitamin C khi phối hợp có thể cho tác dụng “hiệp lực” giúp bảo vệ da, cải thiện dấu hiệu lão hóa và sắc tố hiệu quả hơn rất nhiều so với khi dùng đơn lẻ. Tuy nhiên là nếu sử dụng 2 hoạt chất này “cùng lúc” có thể làm giảm khả năng hấp thu của cả hai.

Nguyên nhân là vì các loại Retinoids như Retinol có thường có pH hoạt động tốt nhất từ 5,0 – 6,0. Trong khi Vitamin C dạng L-ascorbic thường được bào chế ở pH 3,5 để được hấp thu vào da tốt nhất. Bên cạnh đó việc hòa trộn Retinol tan trong dầu và Vitamin C thân nước cũng làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thu hoạt chất.

Để giải quyết vấn đề trên, bạn có thể áp dụng một số cách sau để sử dụng được cả vitamin C và Retinol nhưng không làm giảm hiệu quả:

  • Sử dụng vitamin C ban ngày và Retinol ban đêm .
  • Sử dụng 2 hoạt chất vào những đêm xen kẽ nhau.

Nếu bạn sử dụng Vitamin C với tần suất 2 lần/ngày, sẽ có những buổi bạn bắt buộc phải dùng đồng thời cả Retinol và Ascorbic acid. Những lần như vậy hãy sử dụng Vitamin C trước, đợi 30 phút để các hoạt chất ngấm sâu rồi sử dụng Retinol.

Một cách khác nữa là bạn có thể sử dụng dẫn xuất của vitamin C thay vì dạng L-Ascorbic acid. Hãy chọn những dạng bào chế có pH nằm trong khoảng hoạt động tốt nhất của Retinol. Ví dụ như Ascorbyl glucoside thường có pH khoảng 5,0 – 7,0 [10].

– Vitamin C và AHA, BHA dùng chung được không?

AHA và BHA có pH hoạt động tối ưu khoảng 3.0 – 4.0. Đây cũng chính là pH mà L-Ascorbic có khả năng hấp thụ vào da tốt nhất. Do đó Vitamin C dạng L-Ascorbic hoàn toàn có thể sử dụng cùng lúc với AHA hoặc BHA.

Tuy nhiên, tất cả các hoạt chất trên đều có bản chất là acid. Việc sử dụng đồng thời quá nhiều chất cho pH thấp có thể dẫn đến kích ứng da. Đặc biệt là khi sử dụng dạng vitamin C có hoạt tính mạnh nhất là L-Ascorbic. Trong trường hợp này, bạn có thể lựa chọn 1 trong 2 phương án sau:

  • Sử dụng khác buổi: Bạn sẽ sử dụng AHA vào ban đêm (vì chất làm làm da nhạy cảm với ánh sáng mặt trời), BHA vào ban ngày (vì chất này có thể bảo vệ da trước UV). Buổi còn lại trong ngày sẽ sử dụng L-Ascorbic acid.
  • Sử dụng cách ngày: Sử dụng Vitamin C và AHA/BHA vào 2 ngày khác nhau.

Nếu bạn sử dụng Vitamin C ở dạng dẫn xuất của L-Ascorbic acid, pH cao của các hoạt chất này có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thu của AHA, BHA [11]. Khi này nếu muốn sử dụng đồng thời, hãy dùng AHA hoặc BHA trước và đợi 30 phút. Sau đó mới sử dụng các sản phẩm chứa dẫn xuất Vitamin C.

– Vitamin C có gây mụn đầu đen không?

Không có bằng chứng nào cho thấy Vitamin C serum có thể dẫn đến gây mụn đầu đen. Trên thực tế, Vitamin C dùng ngoài da thậm chí còn được chỉ định để cải thiện tình trạng trên.

Một số trường hợp Vitamin C hoạt tính cao như L-Ascorbic khi tiếp xúc với nhiệt độ, không khí sẽ bị oxy hóa nhanh chóng và chuyển sang màu nâu đen. Các thành phần này đọng lại trên da hoặc lỗ chân lông tạo nên các đốm khiến nhiều người nhầm lẫn là mụn đầu đen.

Việc sử dụng Vitamin C đường uống kéo dài có thể khiến lỗ chân lông mở rộng hơn. Điều này có thể tạo điều kiện cho bã nhờn, bụi bẩn tích lũy và gây mụn nếu không vệ sinh phù hợp [12].

Tìm hiểu thêm!

Alert: Bạn không được phép sao chép nội dung hoặc xem nguồn !!